Phong cách Scandinavian được hình thành và đã tạo nên một xu hướng thiết kế được đông đảo chủ đầu tư lựa chọn vào thời điểm hiện nay. Vậy lịch sử phong cách Scandinavian hình thành từ đâu và trải qua các giai đoạn lịch sử như thế nào? Chúng tôi sẽ trình bày ở bài viết dưới đây.
1. Nguồn gốc phong cách Scandinavian
Tên gọi phong cách Scandinavian xuất phát từ vùng địa lý cụ thể là vùng Scandinavia. Theo Wikipedia, Scandinavia hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các quốc gia Bắc Âu: Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển và Iceland. Và Thiết kế Scandinavian là một phong trào thiết kế đặc trưng bởi sự đơn giản, tối giản và chức năng nổi lên vào đầu thế kỷ 20 ở năm quốc gia Bắc Âu, và sau đó phát triển mạnh mẽ vào những năm 1950 ở khắp thế giới.
Có thể thấy, lịch sử hình thành phong cách Scandinavian găn với lịch sử vùng địa lý cụ thể và rộng lớn, do đó sẽ chịu ảnh hưởng từ đặc điểm vị trí địa lý và đặc điểm xã hội tại đó:
#1. Đặc điểm tự nhiên tác động đến phong cách Scandinavian
Nằm ở phía Bắc bán cầu gần về phía cực, các nước Bắc Âu lạnh giá trong thời gian dài với ánh sáng tối thiểu trong những tháng mùa đông. Từ đó việc sử dụng các đồ vật hay vật liệu như lò sưởi, bếp đốt củi, nến, lông cừu, trải thảm đều tạo nên sự ấm áp. Cùng đó, không gian được tối đa hoá để có thể hấp thụ nhiều ánh sáng nhất có thể.
Mùa hè ở đây ngắn hơn rất nhiều so với mùa đông dẫn đến lượng ánh sáng tự nhiên ở đây rất hạn chế. Do đó không gian sinh hoạt và làm việc cần tận dụng lượng ánh sáng vốn có ít ỏi này bằng cách sử dụng cửa sổ kính lớn, sử dụng màu trung tính, tinh tế giúp không gian luôn sáng, mở, sống động, thoải mái.
#2. Đặc điểm xã hội tác động đến phong cách Scandinavian
Nhiều năm trở về trước, những người sống ở các khu vực Scandinavia phải tháo vát, sử dụng gỗ và các yếu tố tự nhiên khác có sẵn. Vào những năm 1940-1950, Chủ nghĩa Công năng cũng được đề cao trong phong trào nghệ thuật Bauhaus và có tác động lớn tới phong cách Scandinavia. Bên cạnh đó, trong thời gian này, niềm tin về cái đẹp chỉ dành cho những người giàu có dần được thay thế bởi việc mang cái đẹp đến cho số đông, cho quần chúng. Điều này được thể hiện trong thiết kế Scandinavian: Các sản phẩm được thiết kế bền, chức năng và đáng tin cậy, với giá cả phù hợp cho số đông mọi người.
Văn hóa của các nước Bắc Âu là một phần của khu vực Scandinavia. Nền văn hóa này ưa thích sự hòa nhập và sức hấp dẫn rộng rãi hơn là phục vụ cho tầng lớp giàu có và thượng lưu. Người Bắc Âu cũng tin rằng những thứ được mua hoặc làm ra phải được làm để tồn tại lâu dài thay vì được thay thế thường xuyên. Vì vậy thiết kế phong cách này có tính bền vững cao và mọi người đều có thể sở hữu.
Các nước Bắc Âu luôn đứng đầu bảng xếp hạng về mức độ hạnh phúc. Từ giáo dục, cân bằng giữa công việc và cuộc sống và chăm sóc sức khỏe miễn phí – họ dường như biết cách ưu tiên sức khỏe, hạnh phúc và phúc lợi của mình. Nên phong cách thiết kế Scandinavian phát triển với những sản phẩm tiện dụng, chất lượng mà vẫn giữ giá thành không cao, đúng theo quan điểm: “Sản phẩm làm ra vì con người”. Các thiết kế tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hạn chế, sự đơn giản xuất phát từ phong trào nghệ thuật liên chiến tranh của đầu thế kỷ 20.
Người Scandinavia cũng vô cùng coi trọng thiên nhiên và dành thời gian ở ngoài trời. Có thể nhận thấy, trong các không gian khu vực Scandi được bao phủ bởi màu xanh tươi mát của cây cối. Và bằng những cách rất tự nhiên, phong cách Scandinavian phản ánh điều đó trong không gian thiết kế nên.
2. Lịch sử hình thành phong cách Scandinavian
Phong cách Scandinavian đã chứng minh mình là một thiết kế thực sự hiệu quả khi đã trải qua quá trình tồn tại lên đến 100 năm. Vậy 100 năm qua, phong cách này đã hình thành và phát triển như thế nào?
- Năm 1915, tiền đề của thiết kế Scandi xuất hiện trước công chúng. Đó là khi một công ty Đan Mạch về nghệ thuật trang trí cho ra mắt tạp chí Skon Virke để quảng bá nghề thủ công địa phương – những sản phẩm mang đậm dấu ấn vùng Scandinavia.
- Năm 1930-1940, những triển lãm về tiền đề phong cách thiết kế Bắc Âu đã được tổ chức trên khắp châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Một trong những triển lãm sớm nhất chính là triển lãm Stockholm năm 1930, đây cũng là nơi mà chủ nghĩa chức năng nở rộ.
- Những năm từ 1940-1950, sau khi chiến tranh thế giới lần thứ II đã chứng kiến các quốc gia vùng Scandinavia xích lại gần với nhau hơn. Điều này thực sự rõ ràng trong lĩnh vực thiết kế, một loạt quyết định đã được thông qua sau một loạt các cuộc hội thoại vào năm 1940, được tổ chức tại nhiều thành phố khác nhau thuộc vùng Scandinavia. Từ đó, các quốc gia thống nhất hình thành lên và mang phong cách Scandinavian với tính chất tối giản, đơn giản, tối ưu chức năng với chi phí vừa phải đến khắp thế giới.
- Năm 1950, dấu mốc về sự công nhận và nổi tiếng đến toàn thế giới của phong cách này. Điều này đạt được một phần rất lớn thông qua Giải thưởng Lunning – giải thưởng trao cho các nhà thiết kế Scandinavian xuất sắc từ năm 1951 đến năm 1970 nhằm tôn vinh những nhà thiết kế đóng góp cho thiết kế Bắc Âu.
- Phong cách này đã đạt đỉnh cao cho đến những năm 1970 – 1980 – khi những phong cách khác trỗi dậy mạnh mẽ. Thời điểm này tuy không còn nổi tiếng và phổ biến như giai đoạn 1950 – 1970, nhưng nó vẫn luôn là xu hướng thiết kế của mọi người.
Như vậy, ngay từ khi hình thành, phong cách Scandinavian đã xác định tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tính tiện dụng và thẩm mỹ, sự cân bằng này có thể áp dụng ngay cả đối với những thiết kế bình dân. Tư tưởng và phong cách ấy đã được duy trì và mang đến giá trị cao cho đến tận ngày nay.
Trải qua hơn 100 năm lịch sử hình thành phong cách thiết kế Scandinavian, nó đã chứng minh đây là một phong cách bền vững và phù hợp với mọi người ở mọi người ở các thời kỳ khác nhau.