Phong cách thiết kế hiện đại có đặc điểm gì mà có thể tạo ra sức hút lớn đến vậy?
Đây là phong cách thiết kế được nhiều khách hàng của DPLUS lựa chọn cho không gian làm việc của mình trong những năm gần đây. Trong bài viết này chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu hơn về phong cách này cũng như lý do tại sao chúng được yêu thích.
Chủ nghĩa hiện đại hình thành vào cuối những năm 1800, một sự khác biệt hoàn toàn so với quan niệm về sự cầu kỳ, công phu của phong cách thiết kế cổ điển về nội thất, kiến trúc và nghệ thuật. Những năm 1930 là thời kỳ nở rộ của phong cách này. Sự chuyển dịch của nền kinh tế đã tác động đến nhu cầu về thiết kế nội thất, kiến trúc. Sự bùng nổ của nền công nghiệp và sự phát triển của các thành phố, đô thị đã làm gia tăng nhu cầu thiết kế và sử dụng những không gian được đơn giản hóa, tập trung vào công năng hơn là những trang trí rườm rà để tối ưu chi phí.
Bê tông, cốt thép… là những vật liệu đã giúp việc xây dựng tiết kiệm chi phí. Nhờ những vật liệu mang tính cách mạng này, các kiến trúc sư có thể tạo ra những công trình đa dạng về kích thước và hình dạng.
Những điểm nhấn đầy màu sắc từ các phong trào nghệ thuật Art Deco, De Stijl và Bauhaus cũng giúp định hình vẻ ngoài khác biệt, không cầu kỳ của thiết kế hiện đại.
Phong cách thiết kế hiện đại luôn mang lại cảm giác “sạch”, tối giản, gọn gàng cho người sử dụng. Các chi tiết trang trí được tiết chế gần như hoàn toàn, không gian trở nên tối giản hơn để nhấn mạnh vào vật liệu và không gian.
“Great design is eliminating all unnecessary details”
– Minh D.Tran –
Trong thiết kế không gian làm việc, sự hiện đại được thể hiện qua việc giản lược sự trang trí, tập trung hơn đến không gian và công năng sử dụng của đồ nội thất. Sự tối giản trong thiết kế là yếu tố quan trọng giúp phong cách hiện đại được yêu thích và lựa chọn để thiết kế văn phòng, trường học, showroom…
“Nhân vật chính” trong những thiết kế hiện đại là không gian. Vậy nên, thay vì chia nhỏ thành những phần khác nhau, những không gian hiện đại được thiết kế mở để tăng tính kết nối giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.
Đặc điểm này được ngày càng được ưa chuộng bởi nó phù hợp với xu hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nhu cầu sử dụng của con người.
Ví dụ về một số văn phòng không sử dụng tường hoặc vách ngăn để phân chia không gian văn phòng:
Những vật liệu công nghiệp như kính, kim loại, bê tông… giúp không gian trở nên thoáng, sang trọng và hiện đại hơn. Những loại vật liệu trên đang được ưa chuộng trên thị trường vì độ bền cũng như tính thẩm mỹ độc đáo, thể hiện được sự dứt khoát, mạnh mẽ trong những thiết kế hiện đại.
Ví dụ: Kính là vật liệu được sử dụng trong hầu hết các văn phòng hiện đại bởi đặc tính trong suốt, thể hiện được tính mở, giúp từng phần của không gian được kết nối với nhau và với thiên nhiên.
Ngoài ra, những vật liệu công nghiệp cũng được kết hợp với các vật liệu tự nhiên như gỗ, đá… tạo nên sự giao thoa giữa tự nhiên và nhân tạo, khiến cho không gian trở nên cân bằng, vừa đủ hiện đại, sang trọng cũng vừa đủ thân thiện, gần gũi.
Tính tối giản của phong cách thiết kế hiện đại được thể hiện rõ nhất trong việc sử dụng màu sắc. Những gam màu trung tính như trắng, xám, be… là màu nền hoàn hảo để tôn lên màu sắc tự nhiên, mộc mạc của vật liệu; giúp tập trung sự chú ý của người dùng đến các yếu tố kiến trúc, nội thất độc đáo, hay chính là không gian.
Thông qua việc sử dụng những gam màu trung tính, không gian hiện đại luôn mang lại cảm giác nhẹ nhàng. Đối với những không gian làm việc, màu sắc càng tối giản càng giúp con người nâng cao sự tập trung và năng suất làm việc.
Tuy nhiên, những màu sắc nổi bật, táo bạo cũng được sử dụng tạo sự tương phản cho không gian. Biết tạo điểm nhấn đúng chỗ sẽ khiến cho thiết kế không dàn trải, nhạt nhòa. Trong tổng thể trung tính, những màu sắc nổi bật là nét chấm phá độc đáo, tạo nên những biến chuyển cảm xúc trong hành trình trải nghiệm không gian của người dùng.
Thiết kế không gian làm việc theo phong cách hiện đại nhấn mạnh vào các đường nét sạch sẽ và hình dạng hình học (geometric). Trong những không gian hiện đại không còn những mái vòm, họa tiết cầu kỳ, phức tạp thay vào đó là những đường nét dứt khoát, rõ ràng vẫn tạo cảm giác sang trọng, cao cấp.
Cũng giống như sử dụng màu sắc trung tính, việc tiết chế, thậm chí là loại bỏ hoàn toàn những chi tiết rườm rà giúp không gian tinh gọn, tránh gây mất tập trung cho người sử dụng. Đây là yếu tố cần thiết và đặc biệt cần lưu ý khi thiết kế văn phòng hay trường học.
Tuy nhiên, không chỉ có vuông – phẳng – thằng mà phong cách hiện đại cũng sử dụng những đường cong nhẹ để cân bằng, làm mềm không gian, tạo nét uyển chuyển nhưng cũng không quá “sến”.
Như đã nói, phong cách hiện đại luôn thiết kế nhằm làm nổi bật không gian nên chúng ta không nên quá chú trọng vào sự cầu kỳ của đồ nội thất. Những đồ nội thất được chọn vừa phải đảm bảo tính thẩm mỹ vừa đảm bảo công năng sử dụng – cân bằng giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế.
Những chiếc đèn chùm với hàng trăm ngàn viên pha lê; những bộ ghế sofa lớn, họa tiết cầu kỳ sẽ không thể đảm bảo được tính linh hoạt và đa năng này. Đây là điểm khác biệt giữa phong cách thiết kế hiện đại so với phong cách cổ điển hay tân cổ điển. Ở một nhu cầu về không gian khác, cổ điển và tân cổ điển sẽ là lựa chọn phù hợp vì chúng thể hiện được sự cao cấp, xa hoa, nhưng đối với những không gian cần tính ứng dụng cao như văn phòng, trường học.. phong cách hiện đại sẽ là lựa chọn phù hợp hơn. Mỗi phong cách đều có những ưu, nhược điểm để phù hợp với từng nhu cầu. Phong cách thiết kế hiện đại có những ưu điểm có thể phù hợp với phần lớn nhu cầu và mô hình doanh nghiệp hiện nay.
Phong cách thiết kế hiện đại đơn giản và tối ưu từ màu sắc, đường nét, vật liệu cho tới đồ nội thất. Sự đơn giản trong thiết kế không có nghĩa là đơn điệu, hời hợt, đơn giản để giữ lại trọn vẹn vẻ đẹp của không gian.
“All you need is LESS”
&
“Less is MORE”