Khi bắt đầu một dự án mới, các công ty thiết kế thường dành một khoảng thời gian đề giúp khách hàng lựa chọn phong cách thiết kế. Bởi vấn đề này liên quan đến việc lựa chọn những đặc điểm chính của nội thất, bố trí không gian… Vậy các phong cách thiết kế là gì? Ngày nay, 10 phong cách thiết kế nội thất được sử dụng phổ biến là gì và tại sao chúng lại ưa chuộng như vậy? Chúng tôi sẽ giải đáp các câu hỏi đó tại bài viết dưới đây.
Theo Best Design Ideas, phong cách thiết kế nội thất là tập hợp các tính năng cơ bản, kỹ thuật thiết kế và một số nét đặc trưng riêng biệt theo một kiểu cách cụ thể. Dựa theo WikiDiff, phong cách là cách thức thực hiện hoặc trình bày các yếu tố theo một thể thức nhất định. Khi đi với khái niệm thiết kế nội thất, chúng tôi quan niệm rằng phong cách thiết kế nội thất là tập hợp những kỹ thuật thiết kế, yêu cầu của các yếu tố cấu thành và cách bày trí nội thất trong không gian.
Ngoài ra, còn rất nhiều phong cách trong thiết kế nội thất như: hiện đại, đương đại, cao cấp, Scandinavian (Bắc Âu), chiết trung, chuyển tiếp… Nhiều phong cách thiết kế được chia theo các phong trào, chủ nghĩa nghệ thuật.
Ví dụ, khi chủ nghĩa công nghiệp ra đời, nó đã gây nên sức ảnh hưởng đến nhiều phong cách khác nhau điển hình như phong cách hiện đại, phong cách công nghiệp (industrial) và phong cách Minimalist: các vật liệu công nghiệp như nhựa, kính, bê tông, kim loại được sử dụng phổ biến trong thiết kế.
Theo mốc thời gian ra đời, chúng ta cùng tìm hiểu 10 phong cách thiết kế nội thất được sử dụng phổ biến hiện nay.
Thiết kế nội thất truyền thống được lấy cảm hứng từ lối thiết kế của châu Âu vào thế kỉ 18, 19, thể hiện sự sang trọng, cầu kỳ, đề cao tính nguyên tắc trong thiết kế: Phong cách sở hữu đồ nội thất cổ điển, đậm chất nghệ thuật với những đường cong, chi tiết cầu kỳ; màu sắc cân bằng, chủ đạo vẫn là gam màu thuần sáng hoặc thuần tối như đen, nâu, trắng… Điều này đem lại không gian làm việc sang trọng, nghiêm trang mà vẫn đầy đủ chức năng phù hợp với doanh nghiệp lớn, có nguồn tài chính dồi dào và đề cao tính nghệ thuật, sang trọng tại văn phòng.
Thiết kế truyền thống tự hào khi mang lại một không gian trang trọng, tinh tế vượt thời gian mà giữ được nét hài hoà, trật tự và tính thân thiện của mình. Đây cũng là yếu tố chính giúp cho phong cách này không bị lỗi thời và được yêu thích khi thiết kế nội thất văn phòng.
Phong cách thiết kế nội thất chiết trung kết hợp các yếu tố từ các phong cách khác nhau để tạo ra một không gian ấn tượng và mới mẻ.
Không gian của phong cách mang tinh thần tự do và có sự kết hợp các phong cách sẵn có, qua thủ pháp layering từ đó tạo nên một không gian phân lớp, đa sắc màu. Nhưng thông qua việc khéo léo sử dụng thủ pháp layer đã kết hợp các yếu tố tưởng chừng không có điểm chung để tạo ra một nhịp điệu tổng thể hài hòa, sinh động mà không bị choáng ngợp.
Đặc biệt, phong cách không có giới hạn khi sử dụng màu sắc, vật liệu và cách bố trí không theo quy tắc cứng nhắc mà linh hoạt theo từng dự án, điều này đem lại một không gian đặc sắc, độc đáo, thẩm mỹ và sôi động, trẻ trung phù hợp với người yêu thích sự sáng tạo và có cá tính.
Phong cách Rustic được lấy cảm hứng từ thiên nhiên, có nguồn gốc từ nước Mỹ, khi Mỹ đề ra chính sách xây dựng không gian sống, làm việc hài hòa với thiên nhiên tại vườn quốc gia hay vùng nông thôn vào những năm 1916. Những không gian này mang lại sự đơn giản hơi hướng cổ điển và cảm giác ấm cúng. Với hiệu quả mang lại phong cách này phát triển mạnh mẽ vào những năm 60 cùng thế kỉ.
Phong cách sử dụng bảng màu mộc mạc, đó có thể là tông màu tự nhiên như màu trắng quét vôi hay màu nâu của gỗ. Nội thất có cấu trúc chắc chắn và những đường cong tự nhiên mang lại cảm giác thô sơ nhưng vững chắc. Các vật liệu đa phần khai thác từ thiên nhiên như gỗ, mây, tre,… góp phần tạo nên sự mộc mạc của không gian.
Đây là một phong cách phổ biến do sử dụng nội thất thô sơ, đơn giản từ thiên nhiên và mang lại không gian thoải mái, gần gũi, bình yên giữa thành phố ồn ào, vội vã.
Phong cách thiết kế nội thất hiện đại hình thành từ đầu thế kỷ 20, là sự phản ánh chủ nghĩa hiện đại và thiết kế nội thất, phong cách hướng đến việc tạo ra những không gian tối giản, tập trung vào công năng.
Sử dụng chủ yếu những vật liệu công nghiệp, đường nét vuông – phẳng – thẳng, màu sắc hiện đại – màu xám, đen, nâu, trắng – cùng với cách bố trí không gian mở và tăng tương tác nhóm. Khác với phong các truyền thống, cổ điển – sử dụng .
Phong cách này mang lại tính thẩm mỹ, hiệu quả cao cho không gian và phù hợp với xu hướng hiện đại ngày nay.
Phong cách thiết kế nội thất công nghiệp phát triển đầu thế kỷ 20 khi mà cuộc cách mạng lần thứ 2 kết thúc. Phong cách là sự kết hợp linh hoạt, sáng tạo các yếu tố trong thiết kế nội thất với yếu tố từ nhà máy, nhà xưởng và khu công nghiệp. Tính công nghiệp được thể hiện qua việc bố trí không gian tập trung vào chức năng và sử dụng các vật liệu công nghiệp đặc trưng như bê tông, gạch, ống dẫn, vật liệu tái chế… phổ biến, dễ tìm và chi phí rẻ
Bằng việc mô phỏng lại các nhà xưởng, nhà máy hiện đại, không gian phong cách công nghiệp độc đáo, ấn tượng với những khu vực được thiết kế sáng tạo từ những thùng container, ống khói công xưởng hay những bức tường đỏ nguyên bản… Phong cách industrial trở thành xu hướng được các doanh nghiệp yêu thích và lựa chọn, nó cung cấp những tiện nghi cần thiết cho không gian làm việc đồng thời làm mới chúng tạo ra nhiều không gian kích thích sáng tạo và nhiều không gian tự do cho người sử dụng từ đó mang lại sự thoải mái.
Phong cách Art Deco ra đời vào những năm 1920, có nguồn gốc từ sự sôi động và hào nhoáng của châu Âu và châu Mỹ thời kì hậu chiến đã mang đến một phong cách thẩm mỹ mới cho thời kì này. Phong cách này là sự kết hợp giữa tính đối xứng, trật tự với các đường nét mềm mại và yếu tố hình học đặc sắc bổ sung tạo điểm nhấn trong thiết kế: hoa văn góc cạnh, thiết kế nhiều lớp và các đường cong táo bạo tạo nên sự ấn tượng về hình thức và tính thẩm mỹ. Không gian còn được làm nổi bật qua nội thất bằng đồng thau, chrome sáng bóng, sơn bóng, gỗ sơn mài và vô số các chi tiết được tráng gương và thủy tinh.
Phong cách thiết kế Scandinavian (Bắc Âu) ra đời vào những năm 1940 tại vùng Scandinavia. Những không gian được thiết kế đơn giản, tập trung vào chức năng và mang đến không gian ấm cúng, gần gũi thiên nhiên. Để đạt được hiệu quả không gian như trên, phong cách Scandi sử dụng các đường nét sạch sẽ, gọn gàng; bảng màu chính là màu trung tính; nội thất đa năng và tốt cho sức khỏe và vật liệu thiết kế chủ yếu là gỗ và các vật liệu khác nguồn gốc thiên nhiên.
Phong cách thiết kế nội thất tối giản (Minimalist) tạo ra một không gian được đơn giản hóa để tập trung vào chức năng. Tối giản ở đây được hiểu là thiết kế có chọn lọc, giữ lại những thứ thực sự quan trọng và cần thiết, không phải loại bỏ mọi thứ một cách cực đoan. Gam màu trung tính được sử dụng phổ biến trong thiết kế tạo nên không gian sạch sẽ và đơn giản.
Phong cách tối giản rất được ưa chuộng và sử dụng phổ biến trong các thiết kế ngày nay, chúng giúp:
Xuất hiện từ những năm 70 của thế kỷ trước, thiết kế đương đại kết hợp các yếu tố của nhiều phong cách thiết kế khác nhau để phù hợp với từng không gian trong các giai đoạn khác nhau.
Điều giúp cho phong cách đương đại luôn được yêu thích có lẽ đến từ khả năng “bắt trend” của phong cách này. Đương đại hiểu đơn giản là hiện tại, nó không ngừng thay đổi để phù hợp với sự xu hướng ngày nay. Bên cạnh đó, phong cách này tạo điểm nhấn cho không gian làm việc bằng việc sử dụng màu sắc, hình ảnh tương phản để mang lại không gian ấn tượng, bắt mắt và thu hút hơn.
Phong cách thiết kế nội thất xanh Eco mang những yếu tố tự nhiên vào không gian và sử dụng những vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường nhằm tạo ra những không gian xanh, hiệu quả và thân thiện với con người và thiên nhiên. Nghiên cứu của Nasa cho rằng cây xanh có thể giúp cải thiện tâm trạng, sức khoẻ từ đó dẫn đến tăng hiệu quả làm việc. Mà hiệu quả công việc là điều mà các doanh nghiệp luôn hướng đến khi thiết kế văn phòng làm việc.
Xu hướng sống và làm việc xanh đang được mọi người quan tâm, hưởng ứng, chính vì thế thiết kế xanh Eco trở thành một trong 10 phong cách thiết kế nội thất phổ biến hiện nay dành cho các khách hàng.
Trên đây là 10 phong cách thiết kế nội thất phổ biến hiện nay. Việc lựa chọn phong cách thiết kế phù hợp là quan trọng bởi nó tác động trực tiếp đến việc tư vấn và lên kế hoạch thiết kế. Để tìm được phong cách phù hợp với doanh nghiệp mình, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn từ đội ngũ kiến trúc sư chuyên nghiệp.