Phát triển theo cùng các thời kỳ, các giai đoạn cũng như văn hóa của từng địa điểm, các phong cách thiết kế nội thất cũng ngày càng trở nên đa dạng. Trong lĩnh vực này, mỗi năm chúng tôi đều cần theo dõi và cập nhật, học hỏi thêm các xu hướng mới đến thế giới. Làm việc với cái đẹp là làm việc với sự hợp thời và tinh tế.
Vậy có bao nhiêu phong cách thiết kế nội thất và chúng được phân chia như thế nào? Trong bài viết này, DPLUS sẽ tổng hợp lại những phong cách phổ biến nhất trên thế giới và phân loại chúng dựa theo những đặc điểm đặc trưng.
1. Các phong cách thiết kế bắt nguồn từ văn hoá bản địa
1.1. Phong cách Zen
Zen là phong cách thiết kế nội thất được kết hợp từ phong cách thiết kế truyền thống của Nhật Bản và phong cách minimalist, tạo nên những không gian thanh lịch, truyền cảm hứng về lối sống tối giản, thân thiện với thiên nhiên. Loại bỏ những rườm rà, Zen mang tính thiền vào không gian giúp cân bằng thị giác, kích thích sự tập trung của con người.
Nguồn sáng chủ yếu của những không gian Zen là ánh sáng tự nhiên. Những cửa sổ lớn được thiết kế để tận dụng ánh sáng mặt trời, đây là nguồn sáng tự nhiên vừa giúp tiết kiệm vừa tốt cho sức khoẻ của con người.
Đặc trưng của những không gian mang phong cách Nhật là việc sử dụng màu sắc trung tính. Những màu sắc nhẹ nhàng, trầm ấm giúp mang lại cảm giác thư thái, khiến con người trở nên ôn hòa, điềm tĩnh.
Để mang lại sự an tĩnh, người thiết kế thường sử dụng vật liệu tự nhiên, các yếu tố thiên nhiên luôn có tác động tích cực đến con người. Vật liệu chủ yếu được sử dụng là tre, gỗ, những vật liệu mang vẻ đẹp giản dị, tĩnh lặng nhưng vẫn đầy thu hút.
1.2. Phong cách Đông Dương (Indochine)
“Indochine” là cách gọi bằng tiếng Pháp của bán đảo Đông Dương, gồm 6 quốc gia: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia. Bán đảo này là thuộc địa của Thực dân Pháp từ 1887-1954 và chịu ảnh hưởng không ít về văn hóa, cụ thể là kiến trúc và nội thất của Pháp.
Phong cách thiết kế Indochine là sự kết hợp hài hoà giữa phong cách thiết kế Tân cổ điển và cảm hứng từ văn hoá của các nước Đông Dương. Phong cách này thường được ví như một “nụ hôn kiểu pháp trên môi cô nàng Á Đông”, hay bản giao hưởng Đông – Tây. Nét lãng mạn của Pháp và vẻ đẹp truyền thống, nhẹ nhàng của các nước Á Đông kết hợp, giao thoa tạo nên một phong cách vừa mộc mạc, ấm cúng vừa lãng mạn.
Màu sắc trong Indochine có tỷ lệ khác biệt rõ ràng giữa nền và màu nội thất.
- Màu nền thường sử dụng những màu trung tính như trắng, be để tạo cảm giác thoáng đãng, mát mẻ.
- Ngược lại, màu nội thất thường đậm, sắc nét: đen, đỏ, cam, xanh…
Sự kết hợp tạo sự đối lập nhưng hài hoà: màu nền nhã nhặn của phong cách Tân Cổ Điển và màu sắc tươi tắn, phong phú của miền nhiệt đới.
Vật liệu: Tại nơi có khí hậu nóng ẩm, thời tiết thay đổi theo từng mùa, những vật liệu tự nhiên như gỗ, mây tre, gạch là lựa chọn tốt vì độ bền cao và tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, kim loại, sắt cong cũng được sử dụng để tạo hình cho những chi tiết như cầu thang, tay ghế, tạo nét sang trọng cho không gian.
Hoạ tiết: Những nền gạch bông luôn thu hút sự chú ý, gây ấn tượng đầu tiên vì gần như không một không gian nào của Indochine không sử dụng loại gạch này, chúng hoàn toàn đối lập và nổi bật với nền tường trắng.
1.3. Phong cách Bắc Âu (Scandinavian)
Phong cách Scandinavian được hình thành và trở nên phổ biến tại các nước Bắc Âu vì những đặc điểm phù hợp, có tính thích nghi với khí hậu hàn đới tại đây.
Là một trong những phong cách thiết kế nổi lên vào những năm đầu thế kỷ XX, thời gian bùng nổ của trào lưu tối giản nên Scandinavian cũng là một phong cách mang vẻ đơn giản , sạch sẽ và tinh tế. Nhưng khác với phong cách hiện đại có vẻ dứt khoát, phong cách thiết kế Bắc Âu mang lại cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp.
Màu sắc: Ngược lại so với Indochine, Scandinavian sử dụng màu trung tính như những màu chủ đạo, những màu sắc khác chỉ dùng như điểm nhấn, làm tăng thêm sự phong phú cho không gian. Với cách sử dụng màu sắc này, kết hợp cùng những diện cửa lớn, toàn bộ không gian sẽ trở nên sáng sủa, ấm áp.
Vật liệu: chủ yếu được sử dụng là gỗ có màu sáng như gỗ sồi, tần bì… Đây là những loại gỗ được trồng phổ biến tại các nước hàn đới với độ bền cao và dễ dàng gia công, đặc biệt với màu nâu vàng tạo cảm giác ấm áp, sáng sủa, phù hợp để dùng trong những không gian scandinavian.
Ánh sáng: Cũng như những phong cách thiết kế theo chủ nghĩa tối giản khác, Scandinavian tận dụng triệt để nguồn sáng tự nhiên vừa để chiếu sáng vừa có tác dụng sưởi ấm. Những không gian này thường có hệ cửa sổ lớn, kéo dài từ trần đến sàn nhà để tăng diện tích tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Phương pháp này sẽ rất phù hợp với các nước hàn đới hoặc ôn đới có khí hậu lạnh, số giờ nắng cũng như nhiệt độ trung bình năm không cao như các nước quốc gia nhiệt đới.
Bạn có thể tham khảo thêm một vài mẫu thiết kế Scandinavian tại đây.
2. Các phong cách thiết kế mang vẻ mộc mạc
2.1. Phong cách thiết kế công nghiệp
Phong cách thiết kế công nghiệp sau khi kết thúc cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Vào thời điểm này khi các nhà máy dịch chuyển dần từ châu Âu sáng các nước khác, nhiều phân xưởng, nhà máy bị bỏ hoang, không được sử dụng. Trong khi đó. tốc độ phát triển của đô thị tăng nhanh kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nhà ở. Để tận dụng những không gian bị bỏ trống, nhiều nhà xưởng cũ đã được cải tạo thành không gian nhà ở, không gian làm việc.
Với nguồn gốc đó, phong cách thiết kế công nghiệp mang nét đặc trưng, tái hiện lại hình ảnh của những nhà máy trong khu công nghiệp với vẻ đẹp của sự mộc mạc, thô sơ của những vật liệu thường thấy như gỗ, bê tông, kim loại (ống nước). Đan xen giữa sự sần sùi của gỗ, những bức tường gạch không sơn với sự bóng mịn của kim loại, không gian trở nên sinh động, linh hoạt, không gò bó theo một hình ảnh nhất định.
Những không gian được thiết kế theo phong cách công nghiệp luôn đề cao vẻ đẹp nguyên bản của vật liệu nên màu sắc được sử dụng không nhiều. Vì thế, màu chủ đạo của phong cách này là những màu trung tính thiên về tone trầm ấm như nâu, xám, đen.
Phong cách thiết kế công nghiệp có vẻ ngoài “nam tính”, mang một “vẻ đẹp lạ” nên luôn thu hút những người yêu nghệ thuật và sáng tạo. Đó là lý do tại sao phong cách này được yêu thích và trở nên phổ biến hơn vào những năm 2000.
2.2. Phong cách thiết kế rustic (mộc mạc)
Hình thành và phát triển mạnh tại vùng nông thôn ở Mỹ, nơi con người và thiên nhiên luôn có sự hoà hợp. Những điều bình dị, mộc mạc của cuộc sống được nghệ thuật hoá trong phong cách thiết kế rustic.
Cũng sử dụng và luôn đề cao vẻ đẹp nguyên bản như Industrial nên màu sắc trong phong cách Rustic chủ yếu là nâu, xám, be… những màu tự nhiên của vật liệu. Nhưng Rustic mang hơi thở của đồng quê, êm ả và nhẹ nhàng hơn.
Rustic mang lại cho chúng ta hình dung về những không gian mộc mạc và ấm áp với vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu như gỗ, đá, gạch nung và vải. Trong đó gỗ thô và đá được xem là hai vật liệu chính làm nên vẻ khỏe khoắn, vững chãi và ấm áp.
Khác với industrial, những không gian rustic mang một vẻ “nữ tính hơn” khi sử dụng vải tự nhiên trong các vật dụng, đồ nội thất. Vải là một chất liệu thú vị trong thiết kế nội thất, đặc biệt là những loại vải tự nhiên như linen, mỏng nhẹ tạo cảm giác thoáng mát. Thay vì dùng sơn tường chúng ta có thể dùng vài với những màu đơn sắc hoặc hoạ tiết đơn giản để đưa thêm màu sắc vào không gian mà vẫn giữ được vẻ mộc mạc.
3. Các phong cách thiết kế tối giản, ưu tiên công năng
3.1. Phong cách thiết kế hiện đại
Vào cuối thế kỳ 19, khi nền công nghiệp và các khu đô thị phát triển mạnh, nhu cầu sử dụng không gian tăng cao, phong cách thiết kế nội thất hiện đại ra đời mang đến giải pháp với những không gian đơn giản, tập trung đến công năng sử dụng.
Những thiết kế hiện đại ưu tiên những không gian mở để tăng tính kết nối và tương tác giữa người với người và con người với không gian.
Vật liệu sử dụng chủ yếu là các vật liệu công nghiệp như kim loại, kính, bê tông… nên những không gian hiện đại thường có vẻ ngoài “sạch”, khúc triết với những đường nét thẳng, cong nhẹ hoặc hình khối.
Phong cách thiết kế hiện đại không chuộng sự cầu kỳ vậy nên những màu trung tính hoặc trầm được sử dụng nhiều để tăng sự tập trung của con người tới không gian.
Dựa theo những ưu, nhược điểm của phong cách này bạn có thể cân nhắc lựa chọn để thiết kế không gian làm việc của mình.
3.2. Phong cách thiết kế tối giản
Chủ nghĩa tối giản đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống, từ lối sống, phong cách thời trang cho tới thiết kế nội thất. Tối giản được ưa thích bởi nó khiến chúng ta cảm nhận được thế nào là “đủ”, là vừa vặn và an nhiên. Trong thiết kế nội thất, phong cách thiết kế tối giản tạo nên những không gian vừa đủ, tinh gọn giúp con người cân bằng.
Đôi khi, phong cách thiết kế hiện đại và tối giản có thể gây nhầm lẫn bởi chúng đều hướng tới sự đơn giản và công năng. Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt rõ rệt làm nên những đặc trưng riêng của mỗi phong cách:
- Nếu hiện đại sử dụng nhiều vật liệu công nghiệp, nhân tạo thì phong cách tối giản lại ưu tên những vật liệu tự nhiên
- Cùng sử dụng màu trung tính, đơn sắc nhưng hiện đại không hạn chế số màu được sử dụng miễn sao tổng thể hài hoà. Còn phong cách tối giản không ưu tiên nhiều màu, chỉ 3 màu là tốt nhất.
- Phong cách hiện đại mang lại cảm giác mạnh mẽ, cá tính còn tối giản lại nhẹ nhàng, thuần khiết.
4. Các phong cách thiết kế kết hợp
4.1. Phong cách đương đại (contemporary)
Hình thành và phát triển cùng thời điểm với phong cách hậu hiện đại nhưng phong cách thiết kế đương đại không bị cố định bởi một mốc thời gian cũng như bất cứ tiêu chuẩn cố định nào. Bởi vậy, phong cách thiết kế đương đại được nhận diện qua một số đặc điểm sau:
#01 – Phong cách đương đại thay đổi theo nhịp thay đổi của thời gian và xu hướng thiết kế.
Trước kia, chúng ta theo đuổi sự cầu kỳ, tráng lệ, những không gian càng lộng lẫy càng thể hiện đẳng cấp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, con người lại có xu hướng tìm về những thứ tối giản, tránh rườm rà. Phong cách đương đại cũng vì thế thay đổi, không còn nhiều những hoạ tiết phức tạp thay vào đó là những đường thẳng (clean line), bề mặt phẳng trong thiết kế không gian làm việc.
#02 – Được dùng chung với các phong cách thiết kế khác
Thông thường phong cách thiết kế đương đại được kết hợp xuyên suốt với 01 phong cách thiết kế khác trong một không gian, theo một tỉ lệ nhất định.
Ví dụ: dự án HIGHCOMMERCE, chúng tôi đã kết hợp 80% hiện đại với 20% đương đại để tạo nên một không gian mang tinh thần Vietnamese Transparent box
Có khi nào phong cách đương đại được sử dụng độc lập? Có! Nhưng sẽ không phổ biến bởi tính thời điểm và luôn “bắt trend” của contemporary nên đây sẽ không là lựa chọn phù hợp cho thiết kế không gian làm việc. Phong cách đương đại sẽ độc lập khi dùng cho những không gian cũng có tính thời điểm như phòng trưng bày, triển lãm.
#03 – Không thiết kế dàn trải mà luôn chọn và tạo điểm nhấn cho không gian.
Đương đại luôn biết cách lựa chọn những điểm dừng đắt giá trong không gian để nhấn nhá, thay vì thiết kế dàn trải để tạo nên sự hỗn độn. Những điểm nhấn giá trị luôn tạo ấn tượng sâu sắc cho người dùng không gian.
4.2. Phong cách chiết trung
Được kết hợp từ nhiều phong cách khác nhau, phong cách thiết kế chiết trung là sự thỏa mãn sức sáng tạo của người chủ không gian cũng như kiến trúc sư. Một không gian chiết trung được hình thành từ việc lựa chọn những đặc điểm tốt nhất của các phong cách thiết kế khác nhau, tạo nên một vẻ đẹp cân bằng và tương phản.
Không có một palette màu nhất định, bạn có thể lựa chọn bất cứ màu sắc yêu thích nào cho không gian của mình. Tương tự vậy, vì được kết hợp từ nhiều phòng cách nên vật liệu được sử dụng cũng không bị giới bạn.
Chiết trung mang đến sự tự do trong lựa chọn nên rất dễ tạo ra sự lộn xộn. Vì vậy, thủ pháp layering được ứng dụng để tạo ra các lớp lang khác nhau, đảm bảo sự đa dạng nhưng vẫn có thứ tự.
Có thể nói chiết trung là một “nồi lẩu thập cẩm”, nhưng nhất định phải là một nồi lẩu ngon. Mỗi phần không gian mang một vẻ đẹp riêng nhưng lại tạo nên một tổng thể hài hoà và vừa vặn.
So sánh hai phong cách đương đại và chiết trung
- Phong cách đương đại thường kết hợp cùng 1 đến 2 phong cách khác trong cùng một thiết kế còn phong cách chiết trung không giới hạn về số lượng.
- Phong cách đương đại luôn thay đổi theo thời gian; phong cách chiết trung không phụ thuộc vào xu hướng mà được hình thành từ sở thích của người dùng và cá tính của người thiết kế.
Các phong cách thiết kế nội thất được chúng tôi phân loại một cách tương đối dựa theo những đặc điểm đặc trưng nhất. Mỗi nhóm phong cách đều có những điểm chung cũng như điểm khác nhau mà trong bài viết chúng tôi đã chỉ ra và giúp bạn phân biệt.