Đối mặt trước những biến đổi bất thường của khí hậu, một mô hình văn phòng xanh là giải pháp được coi là tối ưu dành cho linh lực thiết kế và thi công không gian làm việc. Trong bài viết này, chúng tôi cùng bạn tìm hiểu và chứng minh về những đặc điểm, lợi ích của mô hình này đối với môi trường và con người.
1. Thực trạng của môi trường và xu hướng thiết kế văn phòng xanh
1.1. Ô nhiễm môi trường và những tác động của ngành xây dựng
Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay
Vào năm 2007, tại Architecture 2030 Global Emergency Teach-in, Nhà khoa học về khí hậu James Hansen đã nói, chúng ta sẽ thấy rõ được những tác động của sự nóng lên toàn cầu khi nhiệt độ tăng thêm khoảng 1C. Nhưng trên thực tế, ngày nay, theo báo cáo của NASA Trái Đất đã ấm hơn 1,02C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các đại dương đã hấp thụ phần lớn lượng nhiệt gia tăng này, với 100 mét trên cùng của đại dương cho thấy sự ấm lên hơn 0,33 độ C kể từ năm 1969.
Khí hậu toàn cầu đang thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Các đợt nắng nóng tàn khốc, hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn đang phá vỡ các kỷ lục thế giới. Chúng đang tàn phá các quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ – những khu vực hiện có lượng khí thải CO2 lên tới 58% toàn cầu.
Kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp (1850), các hoạt động của con người đã làm tăng nồng độ CO2 trong khí quyển lên gần 49%. Con số này nhiều hơn so với lượng CO2 từ các hoạt động tự nhiên trong khoảng thời gian 20.000 năm (từ Cực đại băng hà cuối cùng đến năm 1850, từ 185 ppm đến 280 ppm).
Theo Uỷ ban liên chính phủ và biến đổi khí hậu (IPCC) tổng kết, có 4 phát hiện chính về tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay:
- 95% các hoạt động của con người có ảnh hưởng đến sự nóng lên của trái đất
- Lượng CO2 đạt mức chưa từng có trong suốt 800.000 năm qua
- Mực nước biển dâng cao và nhanh hơn sơ với 40 năm trước đây
- Trong hai thập kỷ qua, nhiều tảng băng ở Greenland và Nam Cực đã tan chảy, số lượng các sông băng trên thế giới giảm mạnh.
Tác động của ngành xây dựng đến môi trường
Các hoạt động xây dựng tạo ra 28% lượng khí thải hàng năm. Trong đó, vật liệu xây dựng và quá trình xây dựng chiếm 11% lượng khí thải của ngành xây dựng. (theo thống kê của architect2030.org)
Tại Việt Nam, các công trình xây dựng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và môi trường, đặc biệt tại các thành phố lớn vào mùa hanh khô. Mỗi năm, tại thành phố môi trường không khí phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn khói bụi, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2. Ngoài ra, các hoạt động hỗ trợ thi công khác như phá dỡ, vận chuyển… có sử dụng động cơ diezen công suất cao đã thải ra các khí độc hại như NOx, CO… làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người và tăng tỷ lệ khí thải độc hại trong không khí.
1.2. Xu hướng thiết kế văn phòng xanh
Các phong trào bảo vệ môi trường được hình thành và phát triển từ những năm 1970. Vào năm 1977, Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu WWF tại Phần Lan lần đầu đưa ra khái niệm “văn phòng xanh”, một hệ thống các tiêu chuẩn, quy định về môi trường dành cho các toà nhà văn phòng, không gian làm việc. Khái niệm này được đưa ra nhằm giảm thiểu chất thải, khí thải gây ô nhiễm tại nơi làm việc.
Năm 2018, 60% các dự án, toà nhà trên 70 quốc gia được công nhận xanh, bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, những tác động của biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng hơn (nhiệt độ tăng cao, băng tan ở hai cực, thiên tai xảy ra nhiều hơn và để lại những hậu quả nặng nề), con người chú trọng hơn đến việc cải thiện và bảo vệ môi trường.
Môi trường biến đổi, nhu cầu sử dụng không gian làm việc của con người cũng thay đổi. Điều này tác động trực tiếp đến các xu hướng thiết kế nội thất văn phòng. Văn phòng xanh trở thành một xu hướng thiết kế được ưa chuộng và quan tâm hàng đầu.
2. Định nghĩa và đặc điểm của văn phòng xanh
1.1. Định nghĩa & lợi ích khi thiết kế văn phòng xanh
#Định nghĩa văn phòng xanh
Văn phòng xanh (green office) là mô hình văn phòng được thiết kế và xây dựng nhằm tạo ra môi trường làm việc thân thiện với thiên nhiên, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra một nơi làm việc lý tưởng dành cho các doanh nghiệp.
Mục đích xây dựng văn phòng xanh:
- Giảm tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên
- Hạn chế biến đổi khí hậu
- Cổ vũ và tạo điều kiện thúc đẩy lối sống bền vững
>> Xem thêm: Ưu nhược điểm của văn phòng xanh
#Lợi ích đối với môi trường
Theo United Nations Environment Programme, 40% lượng khí thải nhà kính và 20% lượng chất thải rắn ở các nước phát triển được sinh ra từ các toà nhà văn phòng. Do đó, thiết kế toà nhà bền vững có thể giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu.
Những thay đổi nhỏ trong thiết kế toà nhà như có thêm hệ thống các thiết bị tiết kiệm năng lượng, các không gian tái chế… có thể tạo ra những tác động lớn. Quan trọng hơn, môi trường chỉ thực sự được cải thiện khi ý thức của con người trở nên tốt hơn. Vì vậy mọi sự thay đổi nên được xây dựng từ văn hoá của doanh nghiệp. Theo Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, việc xây dựng các toà nhà, văn phòng bền vững có thể cắt giảm 50% chi tiêu năng lượng hằng năm, giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí lớn.
“If we don’t make buildings more efficient, their rising energy use will impact us all, whether it be through access to affordable energy services, poor air quality, or higher energy bills.”
– Theo ông Dr Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) –
#Lợi ích đối với con người
Sức khỏe thể chất và tinh thần
- Nâng cao sức khỏe cho người sử dụng
Theo một nghiên cứu cho thấy, các thiết kế xanh (biophilic design), cảnh vật thiên nhiên giúp cho bệnh nhân trong các bệnh viện tăng khả năng phục hồi. Tương tự với nơi làm việc, các không gian xanh giúp nhân viên của bạn làm việc hiệu quả hơn tới 20% và số ngày nghỉ ốm giảm đi.
Cây xanh văn phòng được coi là máy lọc không khí tự nhiên khi có thể làm giảm tới 20% lượng bụi, giúp hấp thụ VOCs (volatile organic compounds) một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi được sử dụng trong các chất tẩy rửa hay hấp thụ các bức xạ có hại từ máy tính và các thiết bị điện tử khác. Ngoài ra, cây xanh còn giúp duy trì độ ẩm trong không khí, một ưu điểm phù hợp với môi trường sử dụng điều hòa trong thời gian dài.
Chất lượng không khí trong văn phòng cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến trực tiếp đến sức khoẻ của con người. Theo trang AMA – IAQUK.co.uk, 50% số bệnh của nhân viên văn phòng do ô nhiễm không khí gây ra, phố biến nhất là các bệnh về đường hô hấp. Việc cải thiện chất lượng không khí (IAQ) có thể giúp giảm tới 39% tỷ lệ nghỉ ốm của nhân viên (Hội đồng Công trình xanh Úc)
- Không gian làm việc xanh mang lại cảm giác thoải mái và hạnh phúc cho người sử dụng
Căng thẳng là một nguyên nhân được biết đến của cả rối loạn về sức khỏe tâm thần và các bệnh lý về tim mạch. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố tự nhiên giúp chúng ta giảm bớt cảm giác căng thẳng.
Điều này giúp tâm trí của chúng ta trở nên thanh thản và tích cực hơn. Khi có một tinh thần lạc quan và vui vẻ nguy cơ mắc các bệnh lý giảm, hiệu quả công việc được nâng cao hơn.
Năng suất làm việc
Các yếu tố thiên nhiên tác động tích cực đến cả sức khoẻ thể chất và tinh thần nên con người có được điều kiện tốt để thể làm việc hiệu quả hơn. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cây cối… giúp não bộ có cơ hội nghỉ ngơi và nạp năng lượng, mang lại những thay đổi tích cực:
- Trí nhớ được cải thiện, giảm khả năng mắc chứng suy giảm trí nhớ alzheimer
- Duy trì trạng thái thư giãn, hạnh phúc, giảm căng thẳng, lo âu.
- Nâng cao khả năng tập trung, tăng năng suất làm việc.
1.2. Các đặc điểm tạo nên một văn phòng xanh
#Sử dụng vật liệu xanh
Vật liệu sử dụng cho các công trình xanh thường được lấy từ các nguồn tự nhiên và tái tạo. Để lựa chọn vật liệu sử dụng cho văn phòng xanh cần dựa trên các thông số kỹ thuật, bao gồm: độ bền, khả năng tái sử dụng và mức độ ảnh hưởng đến chất lượng không khí.
Có hai nhóm vật liệu chính phù hợp với tiêu chí trên:
01 – Vật liệu tái chế
Vật liệu tái chế là lựa chọn lý tưởng cho các không gian văn phòng xanh bởi không chỉ đảm bảo tính bền vững cho công trình mà còn mang lại nhiều lợi ích:
- Tiết kiệm chi phí hơn so với vật liệu mới.
- Tác động tích cực và thân thiện với môi trường khi có thể cắt giảm lượng lớn rác thải.
- Tiết kiệm một lượng lớn năng lượng và tài nguyên dành cho việc sản xuất vật liệu xây dựng.
Có đa dạng các loại vật liệu có thể sử dụng cho việc tái chế, không chỉ là một số loại phổ biến như gỗ, thuỷ tinh, nhựa. Dưới đây là một số loại vật liệu :
- Timbercrete: một dạng bê tông nhẹ hơn được làm từ mùn cưa.
- Ferrock: một dạng bê tông tồn tại lâu hơn được làm từ bụi thép tái chế.
- Báo gỗ: chất thải giấy được tái sử dụng thành gỗ.
- Cách nhiệt denim: vâng, làm từ quần jean xanh tái chế.
- Ecobricks: làm bằng nhựa tái chế.
02 – Vật liệu carbon thấp
Theo báo cáo của Architecture 2030.org, các toà nhà tạo ra hơn 40% lượng khí thải mỗi năm. Lượng khí thải không ngừng tăng bởi ngày càng nhiều những toà nhà được xây dựng để phục vụ nhu cầu cho con người.
Gần đây, tại COP26 ở Glasgow, Gensler đã công bố sáng kiến vật liệu xanh toàn cầu của mình. Công bố này giúp khách hàng và những người quan tâm đến lĩnh vực thiết kế nội thất, kiến trúc hiểu hơn về vật liệu xây dựng carbon thấp (low-carbon building materials).
Trước nay, thép là vật liệu chính được sử dụng trong xây dựng. Trong khi đó, thành phần chính của thép là sắt và carbon, điều này đồng nghĩa với việc lượng khí thải trong thép tương đối cao. Chúng ta có thể sử dụng những vật liệu carbon thấp để thay thế, có thể sử dụng gỗ bởi gỗ có khả năng hấp thụ carbon thay vì thải chúng ta môi trường. Nhưng, việc sử dụng gỗ tự nhiên sẽ đẩy chi phí xây dựng, thi công lên cao hơn và có khả năng làm gia tăng nạn chặt phá rừng bừa bãi. Để giải quyết vấn đề này chúng ta có thể sử dụng gỗ công nghiệp để thay thế. Tuy nhiên, để gỗ công nghiệp được đẹp và giống với gỗ tự nhiên hơn chúng ta thường sử dụng sơn giả gỗ rất độc hại cho sức khoẻ và dễ bong tróc. Giải pháp cho vấn đề này là sử dụng tấm dán veneer và dầu lau để vừa đảm bảo thẩm mỹ vừa tốt hơn cho sức khoẻ của con người.
Những sáng kiến mới về vật liệu bảo vệ môi trường đã và đang có những ảnh hưởng đến quyết định của khách hàng bởi nó mang lại những giá trị mang tính lâu dài và bền vững.
>> Xem thêm các mẫu văn phòng xanh đẹp
#Sử dụng hiệu quả và tái tạo năng lượng
Tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng là yếu tố quan trọng trong thiết kế một văn phòng xanh. Chúng ta có thể bắt đầu quá trình tiết kiệm năng lượng bằng việc tận dụng các nguồn năng lượng tự nhiên như gió, ánh sáng… giúp không gian thông thoáng và được làm mát một cách tự nhiên. Ánh sáng mặt trời là nguồn sáng tích cực giúp cải thiện sức khoẻ và năng suất làm việc của con người, ngoài ra còn giúp giảm nhu cầu sử dụng điện cho việc chiếu sáng.
Để tận dụng triệt để nhất các nguồn năng lượng tự nhiên, không gian cần được thiết kế tối ưu, lựa chọn và bố trí từng khu vực sao cho phù hợp với công năng và nhu cầu sử dụng.
Việc sử dụng năng lượng tái tạo, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, gió hoặc năng lượng sinh khối (biomass), để đáp ứng các yêu cầu về năng lượng có thể làm giảm đáng kể lượng carbon của các công trình xây dựng.
Với lượng lớn năng lượng tiêu thụ mỗi ngày, đây là giải pháp mang lại nhiều lợi ích thiết thực dành cho doanh nghiệp và môi trường:
- Giảm chi phí vận hành.
- Góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc tiết kiệm năng lượng.
- Tạo dựng hình ảnh tích cực về một doanh nghiệp vì cộng đồng.
#Tiết kiệm nước
Với một số lượng lớn người cùng sử dụng một không gian làm việc, lượng nước tiêu thụ mỗi tháng của một văn phòng là không nhỏ. Do đó, để đạt tiêu chuẩn của một văn phòng xanh, hệ thống nước cần được thiết kế khoa học và có các giải pháp tiết kiệm nước.
Ví dụ: Sử dụng các thiết bị cố định ống nước sẽ giúp tiết kiệm nước và giảm hóa đơn điện nước. Những loại thiết bị này có thể bao gồm vòi nước có dòng chảy thấp, vòi tự đóng hoặc vòi phun. Lắp đặt hệ thống nước nóng tại điểm sử dụng và đường ống trễ giúp tiết kiệm chi phí đun nước.
#Giảm thiểu chất thải
Trong những thiết kế gần đây, DPLUS thường đề xuất với khách hàng về không gian phân loại rác. Chúng tôi quan niệm, nếu chưa thể cắt giảm ngay nhu cầu thì bạn có thể bắt đầu bảo vệ môi trường bằng việc phân loại và tái chế rác thải. Một góc phân loại rác được đặt ngay trong văn phòng, không cần quá lớn, vừa đủ để mọi người cùng nhau tập một thói quen mới. Túi nilon, vỏ hộp sữa, vỏ chai nhựa, kim loại… được thu gom, phân loại và gửi đến các điểm tái chế. Rác thải sẽ bắt đầu một vòng đời mới, trở thành nguyên liệu đầu vào cho vật liệu tái chế và tiếp tục quay trở lại phục vụ nhu cầu của chúng ta.
3. Lưu ý khi thiết kế văn phòng xanh
#Tuân thủ theo hệ thống các tiêu chuẩn xanh
Với bất cứ mô hình văn phòng hay một công trình xây dựng nào, tuân thủ theo các tiêu chuẩn là điều đầu tiên cần đảm bảo. Tiêu chuẩn là hệ thống các tiêu chí để đánh giá chất lượng của một công trình. Đối với mô hình văn phòng xanh, một loại không gian làm việc đặc thù, việc đảm bảo các tiêu chuẩn trong thiết kế và thi công càng trở nên quan trọng. Có nhiều bộ tiêu chuẩn thiết kế dành cho văn phòng xanh, cả ở Việt Nam và trên quốc tế như, Lotus, LEED, WELL…
#Tạo không gian xanh cho văn phòng
Khi nhắc tới văn phòng xanh, cây là yếu tố đầu tiên được nghĩ tới. Cây xanh giúp không gian văn làm việc được cân bằng, có tác động tích cực đến tâm trạng và sức khỏe của con người.
Tuy nhiên, để duy trì độ tươi xanh của cây trong môi trường văn phòng làm việc là vấn đề không dễ. Vì vậy để có một không gian làm việc với cây xanh bạn cần tìm hiểu về cách thiết kế cây xanh trong văn phòng để lựa chọn loại cây phù hợp, cách chăm sóc đúng…
>>Xem thêm: Cách thiết kế sân vườn văn phòng
#Giảm lượng rác thải, khí thải độc hại và tối đa việc tái sử dụng
Các thiết kế xanh nên được sử dụng các vật liệu tái chế, thân thiện với môi trường để giảm những tác động xấu đến môi trường xung quanh, cụ thể như chúng ta đã bàn trong phần sử dụng vật liệu xanh.
Ngoài ra, văn phòng xanh nên là nơi truyền cảm hứng đến người dùng, nơi khuyến khích và cổ vũ lối sống xanh. Đó là một trong những vai trò tích cực của văn phòng xanh.
Tham khảo:
Với những đặc điểm trên, văn phòng xanh trở thành một trong những mô hình văn phòng lý tưởng dành cho doanh nghiệp. Những lợi ích mà một không gian làm việc xanh mang lại không chỉ có tác động đến môi trường mà còn ảnh hưởng tích cực trực tiếp đến người sử dụng.